Ẩm thực Việt Nam là một phần không thể tách rời của văn hóa, gắn liền với những sinh hoạt hàng ngày. Văn hoá ẩm thực trải dài từ Bắc tới Nam, mỗi vùng miền đều có những nét riêng biệt để tổng hoà tạo nên một nền ẩm thực Việt phong phú. Nếu như ẩm thực miền Bắc có hương vị thanh đạm, thiên về sự cân bằng trong màu sắc và hương vị thì ẩm thực miền Trung lại ưa chuộng những món ăn đậm đà và được trình bày một cách tinh tế. Trong khi đó, miền Nam mang đến những món ăn đơn giản nhưng phong phú, thường có vị ngọt và béo, sử dụng nhiều nước dừa và cốt dừa, tạo nên hương vị đặc trưng.
Ẩm thực miền Tây là một phần nhỏ của ẩm thực vùng Nam Bộ. Trong tổng thể bức tranh ẩm thực miền Nam, có thể nói ẩm thực miền Tây sở hữu nhiều nét "phóng khoáng" nhất, từ các món ăn tới những phong vị đặc trưng. Sở dĩ ẩm thực miền Tây có được nét phong phú như vậy là do nơi đây giao thoa văn hoá từ các dân tộc khác nhau, phổ biến nhất là dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Mỗi khu vực, mỗi cộng đồng lại có những khẩu vị khác nhau.
Miền Tây có tới hơn 400km bờ biển, khoảng 14.000km sông ngòi, hàng ngàn kilomet kênh đào với vài chục cù lao xanh bồng bềnh trên sông nước, ẩm thực ở nơi đây gắn liền với lịch sử miền đất này từ thuở hoang sơ. Sẵn những nguyên liệu tươi ngon dồi dào, người dân bắt đầu tìm tòi, sáng tạo, kết hợp để tạo ra những món ăn độc đáo.
Chia sẻ về nét dân dã trong ẩm thực miền Tây, ông Nguyễn Quốc Hoà - Giám đốc vận hành của VietDeli cho biết: "Khi chế biến món ăn, người miền Tây luôn lựa chọn những nguyên vật liệu gần gũi nhất, đơn giản nhất có thể. Một bữa cơm của người miền Tây cũng dung dị như tính cách đặc trưng của họ, có thể chỉ là bát canh rau tập tàng hái ngay trong vườn hay vài con cá linh với bông điên điển vừa nở rộ khi mùa nước lên. Ngoài vườn có gì, xung quanh đang có gì, họ sẽ dùng ngay những nguyên liệu đó cho bữa cơm nhà nên sự đa dạng và 'phóng khoáng' của ẩm thực miền Tây cũng bắt nguồn từ đó. Ví dụ như món canh rau tập tàng là một món canh với các loại rau mọc trong vườn, nhà nào có rau gì sẽ dùng rau đó, không giới hạn sự sáng tạo trong cách chế biến.
Cùng một món ăn, người miền Tây có những cách biến tấu độc đáo, 'phóng khoáng' khi so sánh với những vùng miền khác, hệt như lối sống hào sảng của họ. Đơn cử như món bánh xèo, người miền Tây đổ bánh to gấp 3-4 lần so với bánh xèo miền Trung. Nhân bánh xèo có thể là thịt ba chỉ, tôm, đậu xanh, cũng có khi là thịt vịt, củ sắn (củ đậu), giá đỗ và đậu xanh hay thậm chí là bông điên điển - một thức quà đặc trưng của vùng sông nước trong mùa nước nổi".
Cùng điểm qua những món ăn dân dã hút hồn thực khách của miền Tây:
Lẩu mắm
Đúng như tên của nó, lẩu mắm được chế biến từ mắm, đặc sản xứ này. Một nồi lẩu mắm đúng điệu miền Tây sẽ gồm có mực, tôm, cá biển, các loại rau dân dã, mắm cá sặc và mắm cá linh... Mắm cá được ủ trong những chiếc lu sành ở khoảng thời gian dài để dậy vị và ngấm mùi.
Người miền Tây thường nấu lẩu mắm để tiếp đãi bạn phương xa ghé chơi. Hương vị độc đáo của món ăn này khiến thực khách xiêu lòng, đi rồi vẫn quyến luyến bồi hồi. Vì được yêu thích mà món lẩu mắm của người miền Tây đã có mặt tại nhiều nơi, ngay tại Hà Nội bạn cũng có thể thưởng thức món lẩu mắm với phong vị đậm chất miền Tây.
Bếp trưởng Trương Minh Triết, người đứng sau thực đơn đậm chất ẩm thực miền Tây "Mùa nước nổi", của nhà hàng MAMMOM cho biết: "Mắm dùng cho món lẩu mắn để càng lâu ăn lại càng ngon, càng đậm đà. Mắn phải được ủ ít nhất trên một năm. Người miền Tây khi thưởng thức lẩu mắm sẽ ăn kèm với rất nhiều loại rau, bởi đây là món lẩu thiên về rau hơn là thịt. Nước lẩu mắm đậm đà nên rau, thịt hay hải sản nhúng chín có thể ăn ngay không cần nước chấm. Tuy nhiên, có một số người sẽ ăn kèm nước mắm hoặc mắm me chua ngọt, tùy theo khẩu vị mỗi người. Lẩu mắn là một trong những món ăn thể hiện trọn vẹn nét đặc sắc của ẩm thực miền Tây".
Gỏi bông súng trộn tép đồng chiên giòn
Gỏi bông súng trộn tép đồng là món ăn đặc trưng của người miền Tây trong mùa nước nổi. Nguyên liệu gồm có bông súng, tép đồng chiên giòn, bông điên điển và rau thơm hỗn hợp. Một điểm đặc biệt là, trong mùa nước nổi, bông súng vươn cao theo dòng nước, mang lại vị ngọt mát tự nhiên. Tép đồng mùa này ăn nhiều loại sinh vật phù du nên thịt ngọt thơm đặc biệt. Khi mùa lũ về, bông điên điển nở rộ, trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong bữa cơm người miền Tây. Thưởng thức món ăn này là chạm đến hương vị tinh túy, chân thật nhất của miền sông nước.
Cá lóc hấp bầu
Nghe lạ ghê, nhưng mà món này cùng với cá lóc nướng trui được coi là hai món ngon nhất chế biến từ cá lóc – nguyên liệu quen thuộc của miền Tây. Cá lóc thì độ tươi ngon chẳng còn lạ gì, thịt ngọt thanh, mềm đem hấp với bầu thơm tạo thành món ăn dân dã quen thuộc nhưng hương vị thật khó quên.
Cá lóc hấp bầu là món ăn chơi. Khi ăn thì ăn kèm với bánh tráng, rau xà lách, rau thơm, húng quế… chấm cùng nước mắm chua cay. Vì ngọt của bầu hòa quyện cùng vị ngọt thanh của thịt cá sẽ khiến thực khách hài lòng.
Lẩu cá linh bông điên điển
Nguyên liệu toàn là những thứ có sẵn của miền quê sông nước. Đây là món ăn tiêu biểu cho Đồng bằng Sông Cửu Long. Cá linh ngon là cá lúc đầu mùa nước nổi, xương chưa cứng và bụng cá có mỡ ăn rất béo.
Bông điên điển là loại bông gắn liền với miền Tây có màu vàng tươi, mọc tràn ngập khắp các đầm lầy, mé sông, ruộng nước. Bông điên điển có vị vừa giòn vừa thơm, lại bùi bùi béo béo nên người miền Tây rất thích.
Ngoài ra, món này còn có thêm các loại rau như bông súng, ngò gai, rau nhút… Có thể ăn kèm với cơm trắng hoặc bún tươi. Lẩu cá linh bông điên điển rất dễ ăn kể cả cho những thực khách khó tính nhất.